Những năm gần đây, nhiều dự án giao thông quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt được khởi công xây dựng; trong đó có một số dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, tạo ra “năng lượng mới”, tăng thêm sức bật cho vùng đất trù phú về nông nghiệp nhất cả nước này.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, vùng tập trung sản xuất lúa gạo, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, vùng tập trung sản xuất lúa gạo, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, vùng tập trung sản xuất lúa gạo và có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia.

VùngĐồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích tự nhiên cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%.

VÙNG CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT NÔNG, THỦY HẢI SẢN

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, chừng 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại…

Với những đặc điểm và lợi thế nêu trên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn được gọi là “vựa nông sản” của cả nước. Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với nhiều vườn cây trĩu trái, rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn với các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận,…

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, sản xuất lúa vùng ĐBSCL ước đạt 3,816 triệu ha, tăng 13.180 ha; năng suất ước đạt 62,81 tấn/ha, sản lượng ước đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo. Về cây ăn trái, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính (như xoài, chuối, thanh long, khóm, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít) toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đạt 5,335 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2022.

Về tổng thể, theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp (NXB Đại học Cần Thơ, 2022), Đồng bằng sông Cửu Long luôn đứng đầu cả nước về gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây với 24,51 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,51% tổng sản lượng), 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98% tổng sản lượng) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60% tổng sản lượng).

Tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long gồm: đất cát 43.320 ha, chiếm 1,09%; đất mặn 744.550 ha chiếm 18,75%; đất phèn 1.600.000 ha, chiếm 40,29%; đất phù sa 1.184.860 ha, chiếm 29,84%; đất than bùn 24.030 ha, chiếm 0,6% và đất sông rạch khoảng 374.484 ha chiếm 9,43%. Đặc biệt, đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long khá lớn, tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng bán đảo Cà Mau,… với diện tích khoảng 1,5 triệu ha.

Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, với đường biên giới đất liền phía Tây Nam; đồng thời, có hơn 700 km bờ biển (bằng 23% cả nước), 367 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo. Nơi đây hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

“VÙNG TRŨNG” ĐƯỜNG CAO TỐC

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay được xem là “vùng trũng” về nhiều mặt, như: tăng trưởng kinh tế, đời sống sinh kế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực,… hiện trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một trong những nguyên nhân sâu xa là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.

GS. Dương Như Hùng, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, dẫn số liệu nghiên cứu trên thế giới, đã chỉ ra rằng: chiều dài các loại đường của một quốc gia phụ thuộc vào diện tích, mật độ dân số, GDP bình quân đầu người… Khi GDP/đầu người tăng 2% thì thông thường đường cao tốc tăng thêm 1%. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao nhưng tỷ lệ đường cao tốc lại rất thấp. Theo tính toán này, TS. Dương Như Hùng cho rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 1.263 km đường cao tốc và vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 1.900 km.

Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ: hệ thống đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang gắn kết hệ thống cảng biển với các cửa khẩu quốc tế. Riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, qua rà soát, Bộ Giao thông vận tải cho biết đến năm 2030 sẽ có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.

Trong tổng số 1.239 km đường cao tốc hiện có của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến nay mới hoàn thành khoảng 175 km đường cao tốc. Đó là các đoạn TP.HCM – Trung Lương (49 km), Trung Lương – Mỹ Thuận (51,5 km), Mỹ Thuận – Cần Thơ, vừa hoàn thành cuối 12/2023 (23 km) và tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (51 km), chiếm khoảng 14% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước.

NHỮNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG BỨT PHÁ LÀM THAY ĐỔI DIỆN MẠO

Năm 2023 là năm của các dự án cao tốc mới đồng loạt khởi công, gồm các tuyến Cần Thơ – Cà Mau dài 111 km với hai dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188 km.

Các tuyến trục ngang Mỹ An – Cao Lãnh và Cao Lãnh – An Hữu đang hoàn thiện các thủ tục để kịp khởi công trong năm 2024. Hai tuyến TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận hiện đang triển khai phương án đầu tư mở rộng (giai đoạn 2). Tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu đang làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Các dự án cầu đường bộ và cầu đường bộ cao tốc, đến nay, dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang – Bến Tre đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (cầu cao tốc) đã hoàn thành cùng với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dịp cuối năm 2023 vừa qua. Dự án cầu Đại Ngãi qua sông Hậu nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng trên tuyến quốc lộ 60 đi các tỉnh ĐBSCL có tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng đã khởi công vào ngày 15/10/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên trên tuyến quốc lộ 57 đang chờ quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ…

Theo vneconomy.vn

Bài viết liên quan